[ad_1]
Ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vừa bị bắt với cáo buộc liên quan đến vụ án Tập đoàn Thuận An. Một câu hỏi được đặt ra trong vụ này: Trách nhiệm của người đứng đầu được quy định như thế nào?
Chính quy định này đã khiến hàng loạt quan chức cấp cao trong Đảng, bao gồm cả ủy viên Bộ Chính trị, bị kỷ luật theo nhiều hình thức khác nhau, đa phần là bị miễn nhiệm, “cho thôi chức”.
Tội danh của ông Phạm Thái Hà
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội – về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo quy định tại Khoản 4, Điều 358, Bộ Luật Hình sự 2015.
Trong vụ án tại Tập đoàn Thuận An, vào ngày 15/4, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Mẫn của tập đoàn này đều đã bị khởi tố, tạm giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.
Còn ông Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc, bị khởi tố, tạm giam về tội “Đưa hối lộ”.
Cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam ba bị can là lãnh đạo, cán bộ quản lý thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang gồm: Giám đốc ban, ông Nguyễn Văn Thạo; Phó Giám đốc ban, ông Đàm Văn Cường và Trưởng phòng ban, ông Hoàng Thế Du.
Ba cán bộ này đều bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Riêng ông Nguyễn Văn Thạo, người ký quyết định phê duyệt gói thầu Dự án cầu Đồng Việt mà Tập đoàn Thuận An liên danh trúng thầu, còn bị điều tra thêm tội “Nhận hối lộ”.
Sau khi các lãnh đạo Tập đoàn Thuận An và một số cán bộ tỉnh Bắc Giang bị khởi tố, bắt giam, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tiến hành rà soát các dự án, gói thầu mà tập đoàn này tham gia.
Đáng chú ý, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin cho biết việc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đề nghị UBND tỉnh này rà soát các dự án của Thuận An là “nhận chỉ đạo từ ngành dọc”.
Theo thuật ngữ trong hệ thống chính trị Việt Nam, cấp trên theo “ngành dọc” ở đây là Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Do đó, có thể hiểu là có cán bộ do “trung ương quản lý” liên quan tới cáo buộc sai phạm tại Tập đoàn Thuận An.
Giờ đây, với việc ông Phạm Thái Hà bị bắt, điều này đang dần được khẳng định.
Trách nhiệm của người đứng đầu
Việc ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam thì cấp trên của ông Hà là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có thể sẽ bị xử lý theo Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ do Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 3/11/2021.
Điều 7 của quy định này nêu rõ:
1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.
3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, phân tích với BBC rằng, về bản chất, tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” mà ông Hà bị khởi tố là tội danh thuộc nhóm các tội tham nhũng.
“Do đó, căn cứ vào Khoản 1 Điều 7 Quy định 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính Trị là miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, thì đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ,” luật sư đánh giá.
Theo Luật sư Phùng Thanh Sơn, ngay cả khi cho rằng tội danh mà ông Hà bị khởi tố không phải là tội danh thuộc nhóm các tội danh tham nhũng thì cũng đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ.
Bởi lẽ, Khoản 1 Điều 7 này không quy định phải xảy ra đồng thời tham nhũng và tiêu cực rất nghiêm trọng thì mới bị xem xét miễn nhiệm, nên không cần phải truy tố ông Phạm Thái Hà liên quan đến các tội danh tham nhũng thì mới phải xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ.
Tội danh mà ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự”.
Khung hình phạt của tội danh này lên đến mức chung thân nên theo quy định thì đây thuộc loại tội phạm “đặc biệt nghiêm trọng”.
“Vi phạm của ông Hà phải được xem là đặc biệt nghiêm trọng chứ không thể xem là rất nghiêm trọng hay nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng được,” luật sư Phùng Thanh Sơn giải thích.
Mối quan hệ với ông Vương Đình Huệ
Ông Phạm Thái Hà sinh năm 1976, quê tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Ông có học vị tiến sĩ kinh tế, là kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (CPA) chuyên về lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Vào thời điểm bị bắt giữ, ông Phạm Thái Hà đang là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông Hà được bổ nhiệm chức vụ này vào ngày 5/5/2022.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm trên.
Đưa tin về việc bổ nhiệm này, trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) viết: “Ông Phạm Thái Hà là cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, đã trải qua nhiều cương vị công tác với thời gian dài gắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, Thành ủy Hà Nội và Quốc hội.”
Thông tin từ báo chí nhà nước cho thấy ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của ông Vương Đình Huệ trước khi giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Trong quá trình công tác, ông Phạm Thái Hà đã theo chân ông Huệ qua nhiều cơ quan suốt nhiều năm trời.
Theo thông tin nói trên của VOV thì trong thời gian ông Vương Đình Huệ làm Tổng kiểm toán Nhà nước từ năm 2006 đến 2011, ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của ông.
Sau đó, khi ông Huệ trải qua các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính giai đoạn 2011-2012, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giai đoạn 2012-2016, Phó Thủ tướng giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Thái Hà vẫn là người trợ lý thân cận của ông Huệ.
Kể cả khi ông Vương Đình Huệ chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (2020-2021), ông Phạm Thái Hà vẫn theo chân ông.
Đến tháng 4/2021, ông Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội, một trong “Tứ Trụ” của Việt Nam. Ông Hà đã chuyển sang làm trợ lý Chủ tịch Quốc hội.
Và chỉ sau đó hơn một năm (tháng 5/2022), ông Phạm Thái Hà chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Báo điện tử Chính phủ lúc bấy giờ đưa tin: “Phát biểu chúc mừng ông Phạm Thái Hà tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá đồng chí Phạm Thái Hà là cán bộ được đào tạo bài bản, đã trải qua nhiều cương vị công tác với thời gian dài gắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.”
“Trong thời gian vừa qua, với vai trò Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Phạm Thái Hà luôn thể hiện tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, có nhiều đề xuất cải tiến về công tác phối hợp tham mưu, phục vụ các hoạt động của lãnh đạo Quốc hội nói chung và Chủ tịch Quốc hội nói riêng.”
Theo báo điện tử Chính phủ, ông Mẫn tin rằng ông Hà sẽ “không chỉ luôn giữ vững phẩm chất chính trị, bản lĩnh vững vàng, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, mà còn không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, trau dồi kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng quản lý, đoàn kết nhất trí trong tập thể để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Có thể thấy trong quá trình công tác nhiều năm qua, ông Phạm Thái Hà với ông Vương Đình Huệ luôn như hình với bóng.
Các tiền lệ ‘chịu trách nhiệm người đứng đầu’
Quy định 41 của Bộ Chính trị còn được xem là cách để các cán bộ, quan chức “hạ cánh an toàn” hay còn gọi là “xin thôi” trong danh dự.
Quy trình này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn giải trong một cuộc tiếp xúc cử tri vào tháng 5/2023 và được coi là “một điểm mới” khi Đảng đã cho rất nhiều cán bộ, kể cả cấp cao thôi chức và khuyến khích xin thôi.
“Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất xin thôi.”
“Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất. Gần đây rất nhiều trường hợp và còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem,” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Quy định 41 nói trên đã khiến không ít ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 – những nhân vật quyền lực nhất trong Đảng – phải từ chức khi phải “chịu trách nhiệm người đứng đầu”. Trường hợp mới nhất là cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Vào ngày 20/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ trong đảng và nhà nước vì đã có “những vi phạm, khuyết điểm gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông”.
Kết luận từ cuộc họp kỷ luật ông Thưởng nêu: “Đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”
Dù thông báo của Trung ương Đảng không nêu cụ thể sai phạm của ông Thưởng là gì nhưng nhiều nhà quan sát độc lập nhận định rằng ông Võ Văn Thưởng bị kỷ luật với cáo buộc mắc sai phạm liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn trong thời kỳ ông làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ năm 2011 đến năm 2014.
Một số kênh truyền thông chính thức của chính quyền cấp địa phương tại Việt Nam cũng nêu chi tiết: “Các báo cáo của Trung ương và đơn của đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, thời gian đồng chí Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã không kiểm soát chặt chẽ, đề cán bộ dưới quyền vi phạm pháp luật, để một doanh nghiệp mượn danh đảm nhận nhiều dự án, can thiệp công tác cán bộ, làm mất lòng tin trong nhân dân.”
Đầu năm nay, ngày 31/1/2024, ông Trần Tuấn Anh đã bị cho thôi các chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Theo thông cáo, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật Đảng, hành chính”.
Tháng 1/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc, người tiền nhiệm của ông Thưởng, cũng đã phải “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự”.
Hai phó thủ tướng nói trên là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam.
Hai bộ trưởng bị xử lý hình sự là ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh.
Tuy nhiên, câu nói này của ông Phúc sau đó đã bị gỡ khỏi báo chí Việt Nam.
Cũng trong tháng 1/2023, ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị hai nhiệm kỳ 12, 13 đã xin từ chức. Ông Minh sau đó bị miễn nhiệm trên cơ sở nguyện vọng cá nhân.
Trong cuộc họp báo của Quốc hội ngày 9/1/2023, báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi: “Vậy có thể xem ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam từ chức hay không? Quy định 41 về từ chức, miễn nhiệm quy định nhiều căn cứ từ chức, vậy các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam từ chức vì lý do gì?”
Trả lời, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay các quyết định này dựa trên quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, các quy trình được tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Ông Nguyễn Tuấn Anh nói thêm rằng Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam là dựa trên cơ sở nguyện vọng cá nhân.
“Nội dung này được cơ quan có thẩm quyền xem xét thận trọng và tính toán nhiều mặt. Đồng thời, Trung ương Đảng cũng có Nghị quyết 32 đồng ý cho thôi giữ chức vụ và trình Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức danh phó thủ tướng với hai ông,” ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Câu trả lời chính thức vẫn không rõ ràng, nhưng có thể hiểu ông Phạm Bình Minh cũng bị miễn nhiệm theo Quy định 41 dù không rõ là theo điều nào, khoản nào.
Trong một bài viết trên trang VOV có nhan đề Từ chức, miễn nhiệm theo Quy định 41: Giá trị của đạo làm quan, tên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã được nêu ra làm ví dụ.
Bộ Chính trị khóa 13 hiện chỉ còn 14 người, trong khi vào đầu khóa, con số này là 18 người.
Xâu chuỗi những thông tin trên, có thể khẳng định đã có bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 gồm Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm theo Quy định 41.
- FPT Telecom làm việc cả ngày lễ, thứ 7 và chủ nhật, quý khách có nhu cầu đăng ký hoặc tham khảo các gói cước hay liên hệ thông tin đăng ký dịch vụ quý khách hàng vui lòng liên hệ qua web hoặc các thông tin bên dưới để nhân viên hỗ trợ 24/7.
- FPT Telecom – Công Ty Cổ Phần Viễn Thông FPT
- Mobile : 098.1489.411
- Website: https://fpt8.com
Cảm ơn quý khách đã tin tưởng và sử dụng dịch vụ mà FPT Telecom cung cấp, chúng tôi sẽ luôn cập nhật các chương trình ưu đãi khuyến mãi lắp mạng FPT tại Website: https://fpt8.com
-
Để được tư vấn và đăng ký lắp đặt nhanh trong ngày quý khách hãy để lại thông tin liên hệ ngay tại đây:
Hãy gửi thông tin đăng ký ngay, chúng tôi sẽ liên hệ lại hỗ trợ cho quý khách trong thời gian sớm nhất.
- Hoặc Đăng ký Online
Source link